Lễ phát động “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trong ngành giáo dục và Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024
Thực hiện Kế hoạch số 6516/KH-UBND ngày 29/8/2024 của UBND tỉnh về triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Công văn số 5201/BGDĐT-GDTX ngày 09/9/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch số 7144/KH-UBND ngày 20/9/2024 của UBND tỉnh về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024, sáng ngày 27/9/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trong ngành giáo dục và Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024.
Đây là phong trào nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong ngành giáo dục.
Thay mặt lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở đã phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trong ngành giáo dục và Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 với một số nội dung như sau:
1. Tiếp tục thực hiện có kết quả Kế hoạch số 8056/KH-UBND ngày 12/11/2021 về triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2706/KH-UBND ngày 29/4/2022 về Triển khai thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 6516/KH-UBND ngày 29/8/2024 về triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và một số văn bản liên quan.
2. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền đối với việc xây dựng XHHT. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, đặc biệt cần phát huy vai trò quan trọng của Hội Khuyến học các cấp trong việc tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào học tập trong toàn tỉnh; quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước, về ý nghĩa, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khuyến học nhằm tạo nhận thức tốt hơn, khuyến khích, hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để gắn kết phong trào “Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; phối hợp với Hội Khuyến học các cấp nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài. Chú trọng công tác vận động đóng góp của toàn dân cho hoạt động khuyến học, khuyến tài. Phát triển mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, thành phố học tập.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Nam tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng XHHT, nêu gương điển hình những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng XHHT để mọi cơ quan, mọi tổ chức đồng tình ủng hộ, có trách nhiệm tích cực tham gia phong trào: “Cả nước trở thành một xã hội học tập” và mỗi cá nhân (người lao động) ý thức tự hoàn thiện cho mình về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp; phối hợp với Hội khuyến học, các ban ngành liên quan tiếp tục chăm lo củng cố, phát triển tổ chức hội vững mạnh, rộng khắp làm nòng cốt trong công tác tham mưu, phối hợp, thực hiện công tác khuyến học. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, tổng kết, sơ kết thực tiễn hoạt động, nhân rộng các mô hình hiệu quả, thúc đẩy phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, cần triển khai tốt phong trào “Công dân học tập” tiến đến xây dựng thành công “Xã hội học tập”, mỗi tập thể, cá nhân trong ngành giáo dục cần cố gắng rèn luyện, xây dựng khả năng tự học, tự tìm hiểu để tự khám phá những tri thức mới. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:
- Tổ chức các Hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ, cảm nhận; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng; tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm,... nhằm khuyến khích học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lí, người dân đọc sách; phát động học sinh, học viên, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình.
- Huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, tủ sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng khó khăn; huy động cha mẹ học sinh tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh;
- Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa/giáo trình để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh, sinh viên đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
- Tổ chức các lớp giáo dục về kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; với các trường phổ thông nội dung này cần gắn với tiết đọc/tiết học thư viện; mở các lớp hướng dẫn về kĩ năng, phương pháp đọc, phổ biến kinh nghiệm đọc sách cho người dân tại các trung tâm học tập cộng đồng.
- Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “tủ sách góc lớp”, “thư viện lưu động”, “thư viện linh hoạt”, “thư viện điện tử”,...
- Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Lộc và ông Tưởng Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT tỉnh đã thay mặt toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục và đào tạo phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua; theo đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua tại đơn vị. Sau buổi Lễ phát động, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cùng ký kết giao ước thi đua với Lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc.
Tác giả: Trần Thị Tuyền- Nguồn tin: Văn phòng Sở